Mang thai tháng thứ 4 - Sự phát triển của thai nhi

Bé cưng cử động nhiều hơn

Điều này thật tuyệt phải không, chắc chắn mẹ sẽ chẳng thể nào quên lần đầu thấy con "máy" hạnh phúc đến nhường nào. Ở tháng này, chân tay của bé đã khỏe hơn do hệ xương phát triển rất nhanh, do đó con có thể chuyển động ngày một nhiều, những cú "máy" cũng sẽ mạnh dần lên.


Bé có lông mày

Bước sang tháng thứ 4, thai nhi sẽ nhanh chóng hoàn thiện hình dáng với mắt, mũi, tai dần trở về đúng vị trí; lông mày của bé sẽ xuất hiện vào cuối tháng và những cử động mí mắt sắp xảy ra. Bộ não tiếp tục phát triển và bắt đầu có sự liên kết, kiểm soát, phối hợp hoạt động với vùng mặt và các chi; do đó ngoài cử động chân tay, mẹ cũng sẽ thấy bé sắp có những biểu cảm đầu tiên trên khuôn mặt như cau mày, nheo mắt, mút ngón tay,...

Cơ thể bao phủ lớp lông tơ

Có vai trò giống như lớp màng bảo vệ giúp giữ ấm cho bé cưng, lớp lông tơ này tiếp tục bao phủ cơ thể bé và dần rụng đi khi chất béo bắt đầu được tích tụ dưới da vào những tháng cuối thai kì.

Một số cơ quan đi vào hoạt động

Tuy còn nhỏ xíu với hình hài chưa hoàn thiện, nhưng mẹ có ngạc nhiên không khi thận, gan, lá lách và tuyến tụy của con đã bắt đầu hoạt động? Vào tháng này, thận có thể sản xuất nước tiểu, gan thì tạo mật, lá lách sản sinh nhiều tế bào máu đỏ hơn và tuyến tụy cũng đã tiết một lượng insulin nhỏ. Ngoài ra, đến thời điểm này nhịp tim của thai nhi đã tăng gấp đôi rồi đấy!

Mang thai tháng thứ 4 là một dấu mốc cực kì quan trọng khi cả thai nhi và cơ thể mẹ bước sang giai đoạn mới. Hãy "tận hưởng" khoảng thời gian dễ chịu nhất trong thai kì này, nhưng đừng quên khám thai thường xuyên mẹ nhé! Tháng này mẹ cần phải làm rất nhiều các xét nghiệm để kiểm tra xem thai nhi có đang phát triển bình thường không, có gặp vấn đề gì không,...


Ngoài ra, sức khỏe răng miệng của mẹ cũng cần được chú ý, một số vấn đề về răng miệng tưởng chừng đơn giản nhưng rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi. Chẳng hạn, các bệnh nhiễm trùng nướu răng, sâu răng,... có thể khiến em bé trong bụng bị chậm phát triển hoặc mắc dị tật bẩm sinh. Do đó, hãy chăm sóc răng miệng cẩn thận và đi khám nha sĩ khi cần thiết. 
Cuối cùng, mẹ hãy nhớ ăn uống điều độ, nghỉ ngơi đầy đủ và giữ tinh thần thật tốt để cả hai mẹ con trải qua chặng đường thứ 2 của thai kì thật suôn sẻ nhé!

Comments

Popular posts from this blog

Đồ dùng cho bé cần thiết mà mẹ cần phải chuẩn bị

5 lời khuyên sai lệch phụ nữ mang thai thường nghe

Những ai không được đặt vòng tránh thai?